GIAI ĐOẠN HÌNH THÀNH

Trước năm 1985: trước khi thành lập

Theo các nhà khảo cổ, lĩnh vực luyện kim Việt Nam đã được hình thành và phát triển từ 4.000 – 3.500 năm trước. Các vật dụng bằng sắt được xuất hiện ở Việt Nam trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn (thuộc thời kỳ đồ đồng và đồ sắt sớm, khoảng 700-100 TCN), văn hoá Sa Huỳnh,… kỹ nghệ rèn sắt và đúc gang đã bắt đầu được hình thành và phát triển nhằm chế tạo dụng cụ gồm dao rựa, dao quắm, giáo, mai, liềm, thuổng, kiếm ngắn,… và các vật dụng phục vụ cho cuộc sống.

Ở quy mô công nghiệp, ngành luyện kim Việt Nam được hình thành và phát triển trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Sau cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi (1954), Việt Nam bắt đầu khôi phục và phát triển kinh tế. Nhu cầu gang và thép của đất nước sau chiến tranh là rất lớn để chế tạo công cụ sản xuất và xây dựng cầu cống, nhà cửa,…đánh dấu bằng sự ra đời của Khu liên hợp Gang thép Thái Nguyên trong những năm đầu thập kỷ 60 thế kỷ XX và các nhà máy, xí nghiệp nghiệp (VICASA, VIKIMCO, VITHACO,…) thuộc Công ty Luyện Kim Đen rồi đổi tên thành Xí nghiệp Liên hợp Luyện cán thép do Nhà nước tiếp nhận sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất năm 1975 với quy mô nhỏ, công suất ban đầu chỉ khoảng 120 ngàn tấn/năm.

1985 – 1995: thành lập Tổng công ty

Bước sang thập kỷ 80 (của thế kỷ trước), chính sách “Đổi mới” của Đảng đã đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, giai đoạn phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh đó, nhu cầu phát triển của đất nước đòi hỏi cần phải có những Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước đủ mạnh thuộc một số lĩnh vực sản xuất và kinh doanh then chốt, trọng yếu trong phạm vi toàn quốc để đảm bảo những cân đối lớn của nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu cho những công trình trọng điểm của nhà nước, đồng thời tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.

– Ngày 13 tháng 9 năm 1985, Bộ Vật tư có Quyết định số 422/VT-QĐ thành lập Tổng công ty Kim khí. Trong quá trình hình thành và phát triển, Tổng công Kim khí có 11 đơn vị thành viên gồm: Công ty Kim khí Hà Nội, Công ty Kim khí Hải Phòng, Công ty Kim khí Đà Nẵng, Công ty Kim khí thành phố Hồ Chí Minh, Tổng kho Kim khí và Xí nghiệp Vận tải, Công ty Kim khí Quảng Ninh, Công ty Kim khí Bắc Thái, Công ty Vật tư Thứ liệu Hà Nội, Công ty Vật tư Thứ liệu thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Vật tư Thứ liệu Hải Phòng, Công ty Vật tư Thứ liệu Đà Nẵng.

– Ngày 30 tháng 5 năm 1990, Bộ Công nghiệp nặng có Quyết định số 128/CNNg-TC thành lập Tổng công ty Thép Việt Nam, gồm 4 đơn vị thành viên: Xí nghiệp Liên hợp Gang thép Thái Nguyên, Xí nghiệp Liên hợp Luyện cán Thép, Công ty Vật tư Thiết bị Công nghiệp, Viện Luyện kim đen thuộc Bộ Công nghiệp nặng.

– Ngày 04 tháng 7 năm 1994 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 344/TTg hợp nhất Tổng công ty Thép Việt Nam và Tổng công ty Kim khí thành Tổng công ty Thép Việt Nam.

Trên cơ sở Quyết định số 91/TTg ngày 07 tháng 3 năm 1994 về thí điểm thành lập Tập đoàn kinh doanh ở một số Bộ quản lý ngành kinh tế – kỹ thuật (gọi tắt là Tổng công ty 91). Ngày 29 tháng 4 năm 1995, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 255/TTg thành lập Tổng công ty Thép Việt Nam, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước. Ngày 29 tháng 4 hàng năm đã được Hội đồng quản trị quyết định chọn làm ngày kỷ niệm thành lập Tổng công ty Thép Việt Nam.

Tại thời điểm thành lập, Tổng công ty có tên giao dịch quốc tế là VIETNAM STEEL CORPORATION, viết tắt là VSC. Tổng công ty có 16 Đơn vị thành viên với tổng số cán bộ CNV là 24.062 người; công suất luyện, cán thép khoảng 362.000 tấn/năm. Trong đó:

+ Các đơn vị sản xuất và xây lắp: Công ty Gang thép Thái Nguyên, Công ty Thép Miền Nam, Nhà máy Thép Đà Nẵng và Công ty Xây lắp và Sản xuất công nghiệp.

+ Các đơn vị thương mại: Công ty Kim khí Hà Nội, Công ty Kim khí Bắc Thái, Công ty Kim khí Hải Phòng, Công ty Kim khí Đông Anh, Công ty Kim khí Quảng Ninh, Công ty Kim khí TP. Hồ Chí Minh, Công ty Kim khí và Vật tư tổng hợp Miền Trung, Công ty Vật tư thiết bị công nghiệp, Công ty Vật tư thứ liệu Hà Nội và Xí nghiệp Dịch vụ vật tư.

+ Các đơn vị sự nghiệp: Viện Luyện kim đen, Trường Công nhân kỹ thuật 3 (nay là Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Luyện kim Thái Nguyên).