GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN DƯỚI MÔ HÌNH TỔNG CÔNG TY NHÀ NƯỚC HẠNG ĐẶC BIỆT (1995 – 2005)

Cùng với chủ trương của Chính phủ trong việc “phát triển ngành thép trở thành một trong những ngành công nghiệp trọng điểm của nền kinh tế; thoả mãn ngày càng cao nhu cầu tiêu dùng trong nước, tiến tới xuất khẩu; đẩy mạnh sản xuất, tạo nhiều việc làm, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” theo Quyết định số 134/2001/QĐ-TTg ngày 10/9/2001 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Thép Việt Nam đến năm 2010, trong giai đoạn này Tổng công ty đã tăng cường đầu tư mở rộng sản xuất, liên doanh liên kết với nhiều đối tác nước ngoài để nâng cao công suất, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu thụ thép của nền kinh tế và tiến tới xuất khẩu. Tổng công ty cũng đi tiên phong trong đầu tư sản xuất sản phẩm thép dẹt, với việc cho ra đời sản phẩm thép cán nguội (CRC) trong năm 2005.

Một số điểm nhấn đáng chú ý:

– Ngày 28 tháng 3 năm 1996, Tổng công ty được xếp loại doanh nghiệp Nhà nước hạng đặc biệt theo Quyết định số 185/TTg của Thủ tướng Chính phủ.

– Trong giai đoạn từ 1995 – 1999, nhiều doanh nghiệp liên doanh với Tổng công ty (VPS, Vinapipe, Vinakyoei, Vinanic, IBC) và liên doanh với các đơn vị thành viên hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động.

– Từ 2000 – 2005, nhiều dự án trọng điểm do Tổng công ty trực tiếp đầu tư đã hoàn thành và đi vào vận hành như: Dự án cải tạo và mở rộng Công ty Gang thép Thái Nguyên giai đoạn I (công suất 24 vạn tấn phôi thép/năm); Dự án nhà máy Thép cán nguội Phú Mỹ (công suất 405.000 tấn/năm); Dự án nhà máy Thép Phú Mỹ (nay là Công ty Thép Miền Nam, công suất 40 vạn tấn thép cán và 50 vạn tấn phôi thép); Cải tạo nâng công suất các nhà máy Thép Nhà Bè, Thép Thủ Đức, Thép Biên Hoà; Dự án đầu tư Lò điện của Công ty Thép Đà Nẵng; Dự án Nhà máy gạch ốp lát Trúc Thôn (công suất 2 triệu m2/năm); Dự án xây dựng nhà máy cán thép Thái Nguyên (công suất 300.000 tấn/năm).

– Trong giai đoạn này, Tổng công ty đã thực hiện tổ chức, sắp xếp lại khối kinh doanh kim khí thông qua việc sáp nhập, thu gọn đầu mối (sáp nhập Công ty Kim khí Quảng Ninh vào Công ty Gang thép Thái Nguyên; sáp nhập Công ty Kinh doanh Thép và Vật tư Hà Nội vào Công ty Kim khí Hà Nội; sáp nhập Công ty Kinh doanh Thép và Thiết bị công nghiệp vào Công ty Kim khí TP. Hồ Chí Minh).

– Tổng công ty cũng tiến hành cổ phần hóa nhiều đơn vị thành viên như Công ty Kim khí Bắc Thái, Công ty Kim khí Hải Phòng, Công ty Kim khí Hà Nội, Công ty Kim khí TP.Hồ Chí Minh, Công ty Kim khí Miền Trung, Công ty Vật liệu chịu lửa Trúc Thôn và Công ty Cơ điện Luyện kim.

Nằm trong số 18 Tổng công ty Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, Tổng công ty Thép Việt Nam được định hướng trở thành một tập đoàn kinh tế đa ngành, với lĩnh vực chủ đạo là sản xuất kinh doanh thép, hướng tới mục tiêu nâng cao và phát huy vai trò của kinh tế Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa.

Giai đoạn 1995 – 2005 là giai đoạn Tổng công ty Thép Việt Nam có sự phát triển vượt bậc, đồng thời phát huy mạnh mẽ vai trò dẫn dắt của một Tổng công ty nhà nước đầu ngành, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế của đất nước.